CHĂM SÓC DA, MẮT, RỐN CHO TRẺ SƠ SINH

Nhiễm trùng là nhóm bệnh thường gặp hàng đầu và cũng là một trong bốn nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ sơ sinh ở Việt Nam. Sức đề kháng, khả năng tự bảo vệ cơ thể của trẻ đối với các tác nhân vi trùng của trẻ còn rất kém nên việc chăm sóc vệ sinh cho trẻ cần được quan tâm thực hiện đúng cách, đặc biệt là chăm sóc da rốn mắt, những bộ phận tiếp xúc với môi trường bên ngoài. Việc chăm sóc trẻ đúng cách giúp đem lại sự thoải mái cho trẻ.

1. Chăm sóc da:

Da trẻ sơ  sinh thường đỏ, khô và đặc biệt nhạy cảm.

Nhiệt độ nước tắm tốt nhất khoảng 37 – 38 độ C. Không tắm khi trẻ bị lạnh, nên tắm trong phòng kín, ít gió lùa, tắm từng phần, ủ ấm những phần chưa tắm.

Trẻ mới sinh trong 24 giờ đầu còn lớp chất gây bao phủ để bảo vệ da nên không nên tắm sạch lớp gây ấy. Nên tắm sạch bé sau 24 – 48 giờ sau sanh, sau đó tắm bé hằng ngày. Sử dụng nước ấm và sữa tắm có độ pH trung tính. Tránh tắm bé với các loại nước lá vì không đảm bảo độ sạch và có nguy cơ cao nhiễm khuẩn hoặc dị ứng.

Sau khi tắm lau khô cho bé nhẹ nhàng, mặc quần áo, nón và vớ cho trẻ.

Da trẻ cần được giữ sạch, khô thoáng. Không nên ủ ấm quá mức sẽ là da trẻ ẩm mồ hôi, dẫn đến viêm hăm da và nhiễm trùng. Không sử dụng phấn rơm cho bé vì nguy cơ ảnh hưởng tới phổi của trẻ.

Cần lưu ý rửa tay thường xuyên và đặc biệt trước khi chăm sóc trẻ.

Đưa trẻ đi khám ngay nếu trẻ có các dấu hiệu sốt, li bì, bỏ bú, đỏ da, nổi các mụn mủ trên da.

2. Chăm sóc rốn:

Thai nhi trong bụng mẹ nhận dưỡng chất và oxy qua nhau thai và dây rốn. Dây rốn được kẹp và cắt gần cơ thể của bé để lại một gốc rốn. Gốc rốn sẽ khô và rụng sau khoảng 7 – 14 ngày để lại một vết thương nhỏ, đôi khi rỉ ít máu hoặc một ít dịch vàng.

  • Cách chăm sóc rốn:

Trước khi rốn rụng, cần giữ rốn sạch và khô. Chăm sóc vệ sinh rốn bằng nước sạch. Che rốn bằng miếng gạc mỏng, tránh để nước tắm hay nước tiểu làm ướt rốn. Không dùng tả hay băng rốn che kín rốn hoặc băng quá chặt.

Khi rốn sắp rụng, không cố gắng kéo rốn ra mặc dù dây rốn chỉ còn như treo một sợi dây, tốt nhất để chúng rụng một cách tự nhiên.

Kẹp rốn tháo sau 48 giờ, Khi rốn khô, để thoáng và không đắp bất cứ gì lạ lên rốn của trẻ.

  • Dấu hiệu của nhiễm trùng rốn:

Da quanh rốn đỏ, tấy sưng lên, rốn tiếp tục chảy máu, chảy mủ màu vàng hoặc có mùi hôi thối, trẻ có dấu hiệu toàn thân như sốt, bỏ bú, li bì.

          Khi có dấu hiệu nhiễm trùng rốn hoặc rốn không rụng sau 3-4 tuần, mẹ nên đưa trẻ đi khám ngay.

3. Chăm sóc mắt:

Trẻ sơ sinh sau khi sinh ra thường rất dễ chảy nước mắt hay ghèn, hoặc nặng hơn là mỗi sáng 2 mắt bé bị dính chặt với ghèn đặc gỡ ra rất khó khăn do sinh lý các dịch tiết ( máu , nước ối..) của mẹ dính vào mắt bé, hoặc lệ đạo của bé chưa thông thoáng hoặc có thể do nhiễm trùng, điển hình là 3 tác nhân thường gặp là lậu cầu, Chlamydia trachomatis, Staphylococcus aureus, lây lan từ đường sinh dục mẹ hay do người chăm sóc.

Cách vệ sinh mắt: Dùng bông gòn sạch và nước ấm không quá nóng, làm sạch mắt nhẹ nhàng từ góc bên trong mắt ra góc bên ngoài. Sử dụng bông khác nhau sạch sẽ cho mỗi mắt khác nhau để tránh nhiễm khuẩn chéo 2 bên. Có thể mát xa nhẹ nhàng vùng lệ đạo của bé ở góc trong của mắt. Việc làm sạch mắt nên làm mỗi ngày hoặc khi có ghèn mắt. Một số trẻ sẽ kích thích khó chịu khi chăm sóc mắt, mẹ hãy kiểm tra lại nhiệt độ nước ấm thích hợp và vệ sinh cần làm nhanh chóng. Rửa tay thường xuyên và trước khi chăm sóc mắt bé. Sử dụng khăn mặt cho bé riêng với khăn sử dụng ở các bộ phận khác và nên sử dụng khăn mềm.

  • Triệu chứng của viêm kết mạc: Kết mạc mắt đỏ, đổ nhiều nghèn vàng, tiết dịch mủ, có thể kèm theo phù mi hoặc loét giác mạc xảy ra ở một bên hoặc cả hai mắt trẻ.
  • Chăm sóc mắt khi trẻ bị viêm kết mạc: việc chăm sóc mắt cần thường xuyên hơn để loại bỏ nghèn và mủ mắt, đảm bảo sạch khuẩn. Khi lau, mắt bé nhắm lại, đừng cố gắng làm sạch bên trong mi mắt vì có thể bạn sẽ làm tổn thương giác mạc của bé.
  • Lưu ý: nên đưa trẻ đi khám ngay khi có dấu hiệu của viêm kết mạc