HẠ SỐT Ở TRẺ

SỐT LÀ GÌ?

Sốt là triệu chứng rất thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ bị sốt như: Trẻ sốt tiêm phòng, sốt mọc răng, sự thay đổi thời tiết, nhiễm khuẩn, nhiễm siêu vi...
Trẻ em bao nhiêu độ được coi là sốt? Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ được coi là sốt nếu có thân nhiệt cao hơn 37,5oC. Ngoài ra, bé có các biểu hiện như: đổ mồ hôi, quấy khóc, hay dễ nổi cáu, mệt mỏi, lơ mơ, thở gấp, bỏ bú, bỏ uống nước, chán ăn, ngủ li bì.
LÀM GÌ KHI TRẺ SỐT?

Bạn chỉ nên cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi trẻ bị sốt từ 38oC.
Paracetamol đơn chất dạng gói hay sirô là thuốc hạ sốt cho trẻ sơ sinh an toàn, dễ sử dụng, giúp hạ sốt nhanh. Thuốc thường sẽ có tác dụng sau 30 phút với hiệu quả kéo dài từ 4 – 6 giờ và ít tác dụng phụ.
Liều dùng thuốc hạ sốt dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ phụ thuộc vào cân nặng và độ tuổi. Bạn cần cho trẻ uống đúng liều theo chỉ định là 10 – 15mg/kg thể trọng/lần, lặp lại sau 4 giờ nếu vẫn còn sốt. 
Khi trẻ uống thuốc hạ sốt sau 15 - 30 phút mà vẫn sốt hoặc sốt cao trên 39oC thì nên tích cực hạ sốt cho trẻ để phòng tránh co giật ở trẻ nhỏ. Lau mát bằng nước ấm theo từng bước:
Bước 1: Cởi hết quần áo của bé (trong phòng tránh gió)
Bước 2: Dùng 5 chiếc khăn nhỏ nhúng vào nước ấm, vắt hơi ráo.
Bước 3: Đặt 2 bên nách và 2 bên háng trẻ.
Bước 4: Chiếc khăn còn lại nhúng nước ấm lau trán và lau khắp người trẻ.
Tiếp tục làm như vậy cho đến khi nhiệt độ của trẻ hạ xuống mức bình thường (37oC). Nước ấm sẽ bốc hơi, làm giãn mạch máu giúp làm mát cơ thể. Thông thường, nhiệt độ sẽ hạ trong khoảng 30 – 45 phút.
Nếu trẻ bị sốt mà vẫn chơi đùa bình thường, ăn tốt, uống đủ nước và đặc biệt bé đi tiêu, tiểu bình thường thì bạn có thể chăm sóc bé tại nhà. 
Nếu bé bị sốt kèm theo các triệu chứng như đau bụng, đại tiện nhiều và phân lỏng, nôn nhiều, bỏ ăn, ho nhiều, khó thở, co giật, li bì… thì gia đình nên đưa bé đến bác sĩ để khám bệnh nhé.

Lưu ý: gia đình phải hạ sốt tại nhà trước khi đưa trẻ đi khám. Không nên di chuyển trẻ ra khi đang sốt cao để phòng co giật trên đường đi.